Tổ hợp môn xét tuyển: Toán-Lý-Hóa; Toán-Sinh-Tiếng Anh; Toán-Hóa-Sinh; Toán-Hoá-Tiếng Anh (Mã ngành: 7620301)
Website: Khoa Thuỷ sản
Ngành Nuôi trồng thuỷ sản gồm 3 chuyên ngành chính: Nuôi trồng thuỷ sản, Ngư y (Bệnh học thuỷ sản), Kinh tế quản lý - nuôi trồng thuỷ sản
* CHUYÊN NGÀNH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Ngành học đào tạo kỹ sư có kiến thức, kỹ năng thực hành và vận dụng vào thực tiễn bao gồm các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ở năm học cuối, sinh viên có thể chọn lựa một trong hai chuyên ngành: nuôi trồng hoặc bệnh học thủy sản.
Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn và các kỹ năng như: thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản; tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài; tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở nuôi trồng thủy sản; sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản; tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản; cơ quan khuyến ngư và quản lý nguồn lợi thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng - chế biến thủy sản; cơ sở nghiên cứu (Viện, Trung Tâm,...) nuôi trồng và kinh tế thủy sản và có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo (Trường TCCN, Cao đẳng, Đại học).
* CHUYÊN NGÀNH NGƯ Y (BỆNH HỌC THỦY SẢN)
Ngành học cung cấp kiến thức chuyên môn về hệ thống nuôi trồng thủy sản; các công nghệ sản xuất thức ăn và nuôi trồng thủy sản; các công nghệ trong chẩn đoán bệnh học thủy sản; thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động phòng ngừa và giám sát dịch bệnh thủy sản, điều trị bệnh động vật thủy sản nuôi, quản lý chất lượng các sản phẩm theo hướng an toàn thú y thủy sản; hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên môn và các kỹ năng như: thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản; khả năng tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm sạch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài; khả năng tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y thủy sản và môi trường; khả năng cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ chẩn đoán bệnh học và sản xuất sản phẩm thủy sản an toàn;
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh về nuôi trồng thuỷ sản; cơ quan nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bệnh học và nuôi trồng thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục Thú y hoặc Chi Cục thú y, Trung tâm Khuyến ngư, Cục Nuôi trồng Thủy sản và Chi Cục nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương; cơ sở đào tạo về bệnh học thủy sản hoặc nuôi trồng thủy sản; công ty dịch vụ, kinh doanh về thú y thủy sản (thuốc, thức ăn,...)
* CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ - QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Ngoài những kiến thức chuyên môn về các hệ thống nuôi trồng thủy sản, công nghệ sản xuất thức ăn và nuôi trồng thủy sản, ngành học còn cung cấp thêm kiến thức chuyên sâu về kinh tế và quản lý thủy sản bao gồm các lý thuyết và công cụ phân tích kinh tế, quản trị doanh nghiệp và trang trại thủy sản; về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; về bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng như: phân tích và giải thích các vấn đề kinh tế xảy ra trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh thủy sản; ứng dụng các lý thuyết và công cụ phân tích kinh tế vào tổ chức quản lý sản xuất và kinh doanh thủy sản theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế; quản trị doanh nghiệp và trang trại thủy sản; nghiên cứu về kinh tế và quản lý thủy sản; tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở nuôi trồng - chế biến thủy sản; cơ sở sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản; công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản; quản lý doanh nghiệp thủy sản; Marketing trong nuôi trồng thủy sản; lập dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này cũng có thể tự lập dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản, tự thành lập hay quản lý doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại thủy sản.
Số lần xem trang: 4165
Điều chỉnh lần cuối: 30-04-2020