Để làm tốt bài thi môn Văn
22:12:00, 21/02/2008
|
||||
Đến ngày thi ĐH, hầu hết thí sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, kinh nghiệm còn nóng hổi. Một số em có thể thi đậu từ các kỳ thi tốt nghiệp trước đó, kinh nghiệm dù không còn tươi mới nhưng chắc chắn cũng chưa phai.
Thế nhưng, nên lưu ý đến sự khác biệt rất lớn giữa hai loại hình thi này. Cũng là "thi" cả nhưng đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các em chỉ cần đạt điểm trung bình (30 điểm cho cả 6 môn thi) là đương nhiên "danh chiếm bảng vàng". Vì có tới 6 môn, cho nên kém bài này ta cố bài khác. Còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ rất khác. Môn thi ít (3 môn), chỉ cần một bài làm yếu, kết quả trúng tuyển sẽ rất mong manh. Vì là thi tuyển, nên mỗi ngành, mỗi trường chỉ chọn một số lượng hạn chế. Chỉ tiêu tuyển ít nên "cuộc đấu" có khi rất khắc nghiệt: 1 chọi 20, 30 hoặc hơn nữa. Vì vậy, thành công chỉ dành cho ai chuẩn bị công phu kỹ lưỡng và thực hiện thật tốt các bài thi. Việc chuẩn bị cho bài thi môn Văn cũng nằm trong yêu cầu chung mang tính nguyên tắc như đã nói. Nên lưu ý nội dung chương trình
Đề thi tập trung kiểm tra sự hiểu biết, năng lực cảm thụ và trình độ viết văn của thí sinh về văn học Việt Nam hiện đại. Với ban Cơ bản và với đông đảo thí sinh học năm cuối cùng sách giáo khoa lớp 12 (sách chỉnh lý hợp nhất do 2 GS Hoàng Như Mai - Nguyễn Đăng Mạnh đồng chủ biên), việc kiểm tra khoanh lại trong hai giai đoạn văn học 1930-1945 và 1945-1975. Với số ít học sinh theo học chương trình và sách giáo khoa thí điểm phân ban (gọi là sách nâng cao do GS Trần Đình Sử tổng chủ biên), trong đề thi có thể có câu hỏi về tác giả, tác phẩm thuộc giai đoạn văn học 1975-2000. Những việc cần chuẩn bị Thời gian ôn luyện không nhiều và phải phân phối đối với cả ba môn (Văn - Sử - Địa hoặc Văn - Toán - Ngoại ngữ), vì vậy nên lưu ý một số việc chủ yếu như sau: 1- Nghiền ngẫm lại sách giáo khoa lớp 11-12, phần văn học hiện đại như đã nói, tùy theo chương trình đã theo học mấy năm ở THPT, các em chủ động củng cố kiến thức trong sách giáo khoa lớp 11 chỉnh lý hợp nhất (do GS Nguyễn Đình Chú và PGS.TS Trần Hữu Tá đồng chủ biên) và lớp 12 chỉnh lý hợp nhất (do GS Hoàng Như Mai - Nguyễn Đăng Mạnh đồng chủ biên) hoặc hai bộ sách giáo khoa thí điểm phân ban lớp 11 và 12 (do GS Trần Đình Sử tổng chủ biên). 2- Trọng tâm ôn tập: Thứ nhất, đọc lại để nắm chính xác từng chi tiết nghệ thuật chính yếu của các tác phẩm văn học (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, trích đoạn...). Thứ hai, đọc để nắm chắc những kiến thức cơ bản về các tác giả của các tác phẩm được học (về tiểu sử, sự nghiệp, quan điểm văn chương...). Thứ ba, cần lưu ý nhiều hơn đến 5 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Tuân). Cụ thể phải nắm được đặc điểm, tiểu sử, sự nghiệp, những chặng đường sáng tác, quan điểm văn chương, phong cách nghệ thuật.... 3- Đối với sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất lớp 12, số bài giảng văn có hạn, nhưng với sách giáo khoa nâng cao đang thí điểm, lượng kiến thức cần ôn tập củng cố nhiều hơn, vì như trên đã nói, chương trình học mở rộng đến thành tựu văn học của 25 năm cuối thế kỷ XX (1975-2000). Mùa thi 2006, đề thi môn Văn trong phần tự chọn của khối D có câu (3 điểm) hỏi "Cảm nghĩ về bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng". Mùa thi năm ngoái (2007) cũng khối D, cũng trong phần tự chọn lại có câu hỏi yêu cầu "Phân tích những nét đẹp trong suy nghĩ và ứng xử của bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải". Vì thế nếu không ôn tập đúng, đủ những gì cần ôn, các em sẽ gặp khó khăn khi làm bài.
PGS.TS Trần Hữu Tá |
Số lần xem trang: 3584
Điều chỉnh lần cuối: