![]() |
TS Nguyễn Hữu Ninh (Ảnh: Việt Hưng) |
Ông cho biết, Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu với biểu hiện hết sức sinh động của nó là trái đất đang ngày một nóng lên và mực nước biển đang ngày một dâng cao. Và chúng ta phải học cách “chung sống” với sự biến đổi đó.
* Hiện Việt Nam chưa hề có một ngành học nào kiểu như là “Biến đổi khí hậu” nên khái niệm này hiện còn khá xa lạ đối với nhiều người. Ông có thể giải thích vài nét về cụm từ này không?
Biến đổi khí hậu là nguy cơ chung cho đời sống nhân loại. Biến đổi khí hậu gây nguy hiểm do nó làm trái đất nóng lên, nước biển dâng lên.
Trong thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6 độ C. Nhiệt độ Trái đất nóng lên làm cho băng của các dãy Himalaya và Nam cực, Bắc cực và các vùng khác tan chảy. Những núi băng này tan chảy sẽ làm cho mực nước biển tăng lên từ 28 - 43 cm, hoặc có thể còn cao hơn nữa.
Trái đất có khoảng gần 4 tỷ người đang sống ở vùng duyên hải và khi nước biển dâng lên sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Ví như thủ đô Bangkok (Thái Lan) trong vòng hai mươi năm nữa sẽ bị ngập. Đối với Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long cũng là một trong những nơi phải gánh chịu vấn đề biến đổi khí hậu.
* Thưa ông, vậy thì sự biến đổi khí hậu này có liên quan gì đến giáo dục, cụ thể là có liên quan gì đến việc chọn ngành nghề trong thời gian tới?
Trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, mọi người đều giống nhau về mặt số phận. Hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra, làm thế nào để sống chung với nó, đó lại là vấn đề thuộc về... giáo dục. Giáo dục sẽ biết cách biến những thách thức đó thành cơ hội.
Chẳng hạn tại Việt Nam, biến đổi khí hậu sẽ làm nhiệt độ từ nay đến năm 2010 tăng từ 0,3 - 0,5 độ C và sẽ tăng từ 1- 2 độ C vào năm 2020. Những khu vực có nhiệt độ tăng cao nhất là Tây Bắc và Việt Bắc.
Khi nhiệt độ tăng, ở miền Bắc chúng ta có thể trồng cấy được nhiều loại cây hoa quả mà trước đây chỉ sinh trưởng được ở miền Nam. Rồi nhiệt độ tăng cũng làm cho những cây như cà phê, cao su... thêm nhiều sức sống. Tóm lại, nhiệt độ tăng sẽ làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển rất tốt.
Cũng tương tự, khi nước biển dâng, diện tích biển của chúng ta sẽ có nhiều hơn và chúng ta cần tận dụng điều này để mở rộng công việc nuôi trồng thuỷ sản.
Nhưng, có làm được điều này hay không thì phải phụ thuộc vào giáo dục và ý thức cũng như định hướng của người học và nhà trường.
Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng, sự biến đổi khí hậu sẽ khiến đời sống nông nghiệp phát triển gấp 5, 10 lần bây giờ và điều đó sẽ có tác dụng tự điều chỉnh đến nguồn nhân lực.
* Và đó cũng là lý do mà ông tin rằng nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ là hai ngành học “lên ngôi” vào thế kỷ 21 như là một quy luật tất yếu?
Đúng vậy. Những ngành học này trong thời gian tới sẽ không lạc hậu như từ trước đến nay. Với sự trợ giúp của công nghệ, theo học ngành này không chỉ thuần tuý theo cách gọi của thí sinh bây giờ là học “nghề của nhà nông”. Bởi chắc chắn nó cũng sẽ hiện đại và hấp dẫn hơn nhiều với sự đầu tư thích đáng hơn nữa của Chính phủ.
* Xin cho biết trăn trở lớn nhất của ông hiện nay đối với giáo dục Việt Nam nói chung và vấn đề đào tạo nhân lực của chúng ta?
Hiện nay người dân đầu tư cho giáo dục ít quá, đặc biệt là ở bộ phận người nghèo. Khảo sát của tôi thực hiện ở huyện Giao Thuỷ (Nam Định) về cách người dân sử dụng nguồn tiền đã thu được kết quả thật đáng buồn: Giáo dục chỉ chiếm 5,2% khoản đầu tư của người dân ở đây, trong khi đó, họ dành đến gần 23% để gửi tiết kiệm! Đầu tư cho giáo dục ít như vậy thì làm sao họ có đủ năng lực để hiểu và “chung sống” với sự biến đổi khí hậu?
Về vấn đề đào tạo nhân lực, tại sao thí sinh của chúng ta lại ít đi học nghề đến thế? Tại sao các em lại không thích học nghề? Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, sự vinh quang, sự giàu có đến với những người có tay nghề giỏi là điều hoàn toàn có thể. Nếu không thực sự thích học nghề thì làm sao chúng ta có hy vọng biến thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội của chúng ta?
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Ông là một trong mười tác giả chính của chương 10 (chương về châu Á) thuộc cuốn sách “Biến đổi khí hậu: Tác động, thích nghi và nhạy cảm” - cuốn thứ hai trong bộ sách gồm 3 cuốn của “Báo cáo lần thứ tư - Biến đổi khí hậu 2007” của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Với công trình này, tên ông được vinh dự xướng lên trong buổi phát giải Nobel hòa bình 2007 tại Oslo (Na Uy) ngày 10/12/2007.
|
Theo báo Pháp luật TPHCM
Số lần xem trang: 3576
Điều chỉnh lần cuối: