(GEOGRAPHIC INFORMATION SYSTEMS, GIS)
- Thi khối A và D1 Ngành mới mở năm 2006 theo Quyết định số 7279/QĐ-BGD&ĐT ngày 8/12/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chỉ tiêu tuyển: 60

Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information Systems - gọi tắt là GIS) là một nhánh của công nghệ thông tin được hình thành vào những năm 1960 và phát triển mạnh trong 10 năm lại đây. Đây là ngành khoa học tự nhiên có tính chất liên ngành, liên quan đến các chuyên ngành địa lý, công nghệ thông tin, toán ứng dụng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, khoa học đất, quản lý đất đai, lâm nghiệp… GIS ngày nay là công cụ trợ giúp quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế giới. GIS có khả năng trợ giúp các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các cá nhân... đánh giá được hiện trạng của các quá trình, các thực thể tự nhiên, kinh tế - xã hội thông qua các chức năng thu thập, quản lý, truy vấn, phân tích và tích hợp các thông tin được gắn với một nền hình học (bản đồ) nhất quán trên cơ sở toạ độ của các dữ liệu đầu vào. Theo cách tiếp cận truyền thống, GIS là một công cụ máy tính để lập bản đồ và phân tích các sự vật, hiện tượng thực trên trái đất. Công nghệ GIS kết hợp các thao tác cơ sở dữ liệu thông thường (như cấu trúc hỏi đáp) và các phép phân tích thống kê, phân tích không gian. Những khả năng này phân biệt GIS với các hệ thống thông tin khác và khiến cho GIS có phạm vi ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau (phân tích các sự kiện, dự báo tác động và hoạch định chiến lược).

Một đặc điểm nổi bật của GIS là cho phép xác định các mối quan hệ không gian giữa các hình ảnh và đối tượng bản đồ quản lý trong hệ thống. Do đó, GIS lưu trữ các dữ liệu mà từ các dữ liệu đó chúng ta có thể tạo ra các bản đồ theo nhu cầu đặt ra cho các mục tiêu cụ thể. Trong GIS không quản lý các hình ảnh cụ thể mà nó quản lý một cơ sở dữ liệu, thường cơ sở dữ liệu của GIS là cơ sở dữ liệu quan hệ tập trung được tạo lập bởi các dữ liệu không gian trong thế giới thực đi kèm theo thông tin thuộc tính của chúng và đó cũng là khác biệt chính giữa GIS đối với các hệ thống thông tin khác.

GIS

 

Toán học

 

Công nghệ thông tin

 

 

 

Địa lý học -
 Bản đồ học

 

 

    Mục tiêu đào tạo: Kỹ sư hệ thống thông tin địa lý có kiến thức và kỹ năng về hệ thống thông tin địa lý, quản lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước, rừng, môi trường; có khả năng xây dựng, quản lý, thực hiện các đề án về quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Kỹ năng ứng dụng GIS trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, hoạch định chính sách, hỗ trợ các quyết định, và đặc biệt cảnh báo các vùng thiên tai bằng GIS. Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kỹ năng làm việc trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý sản xuất và tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

 

Việc làm sau khi tốt nghiệp: Nhờ tính liên ngành, việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp rất đa dạng. Kỹ sư Hệ thống thông tin địa lý ngoài việc phục vụ tại các Sở khoa học công nghệ, Sở tài nguyên môi trường, Sở nông nghiệp phát triển nông thôn, Chi cục kiểm lâm, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển… sinh viên còn có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các công ty doanh nghiệp khoa học công nghệ, các chương trình, dự án quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên-môi trường.

 

Số lần xem trang: 2274
Điều chỉnh lần cuối: 16-02-2012