Công tác thi và xét tuyển vào đại học cao đẳng vốn rất quen thuộc nhiều năm trước đã có những thay đổi hết sức căn bản từ năm 2015 và năm 2016 đã được điều chỉnh tăng giảm một số nội dung mà theo chúng tôi đánh giá là theo hướng tốt hơn.

  Tuân thủ thứ tự trong hướng nghiệp: Nghề - Ngành - Trường 

TS. Trần Đình Lý

Trưởng Phòng Đào tạo – Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM

          Công tác thi và xét tuyển vào đại học cao đẳng vốn rất quen thuộc nhiều năm trước đã có những thay đổi hết sức căn bản từ năm 2015 và năm 2016 đã được điều chỉnh tăng giảm một số nội dung mà theo chúng tôi đánh giá là theo hướng tốt hơn. Chỉ một kỳ thi mang tên trung học phổ thông quốc gia nhưng đạt được 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Việc này nhằm giảm chi phí xã hội và bớt tốn kém cho thí sinh. 

Mục tiêu tốt, ý tưởng và mong muốn cũng tốt và có ý hướng đến hỗ trợ tạo điều kiện tốt cho thí sinh và phụ huynh. Nhưng năm 2015 có một số khâu chưa phù hợp, điều kiện đáp ứng chưa tương xứng, đối tượng sử dụng chưa tương thích.., do đó, vấn đề then chốt là hướng nghiệp chưa được lấy làm gốc. Năm 2016 này, ít nhất thì ý nghĩa quan trọng của “lấy hướng nghiệp làm gốc đã được nhân đôi”.

Với những sự thay đổi về quy chế tuyển sinh, về thời gian, phương cách tổ chức trong các khâu: đăng ký hồ sơ xét tuyển, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển…, liệu công tác tư vấn hướng nghiệp có thay đổi theo?

Câu trả lời về nguyên tắc là Không! Là người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi nghĩ “Hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1”. Hướng nghiệp là vấn đề lớn hơn và cần phải đi trước một bước. Nếu việc chọn lựa xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân thì thường sẽ bền vững hơn. Việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các thí sinh sau này.. Dù quy chế, chính sách tuyển sinh có thay đổi hay đổi mới, nhưng vấn đề hướng nghiệp luôn là cốt lõi, không đổi thay. Chỉ có điều là cần có cách thức phù hợp vì trước đây phải chọn ngành của trường để đăng ký thi, còn nay cứ tập trung thi để có kết quả tốt nhất rồi hãy chọn ngành của trường đó.  

Xung quanh vấn đề này, tôi có 3 lời khuyên nhỏ với hy vọng có tác động lớn đối với các em thí sinh:

Thứ nhất, cần tuân thủ thứ tự ưu tiên trong hướng nghiệp: chọn nghề - chọn ngành - chọn trường. Nếu chọn lầm nghề thì nếu bạn không bỏ nghề, không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào! Ba vấn đề: nghề - ngành – trường biểu trưng cho 3 vòng tròn hướng nghiệp, theo thứ tự trước sau. Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này và các yếu tố tác động khác? Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài..hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi “chọn trường nào, ngành nào để dễ đậu??”. Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, ngồi đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó, sẽ tạo ra một sự lãng phí vô cùng lớn cho bản thân, gia đình và cao hơn là lãng phí xã hội.

Thứ hai, tránh ngộ nhận và biết lượng sức mình. Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực của mình khó với tới. Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp. Các tiêu chí để tham khảo: Điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…). Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên luôn bổ ích, quan trọng, nhưng bạn phải là người quyết định về tương lai của mình.

Thứ ba, hãy dành khoảng 30 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Hơn bao giờ hết, cần phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình. Cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Có nhiều thí sinh tưởng rằng mình phù hợp với nghề đó, ngành đó nhưng thực ra các em bị ngộ nhận, chưa đủ thông tin để biết mình là ai? Chọn trường theo sở trường và khám phá năng lực của chính bản thân thí sinh mới là bền vững!

Lý thuyết Holland để khám phá năng lực bản thân trong định hướng nghề nghiệp cũng là một nguồn tham khảo để trắc nghiệm rất tốt.

Ngoài ra, để những vấn đề trên được toại nguyện, TS cần phải hết sức lưu ý đến vấn đề “kỹ thuật”. Theo đó, các em phải tìm hiểu kỹ càng về những vấn đề liên quan đến kỳ tuyển sinh năm nay. Có những điểm mới so với trước đây, “tra tìm” điểm chuẩn 3 năm gần kề để lượng sức ngành nghề đó ở trường nào thì phù hợp. Đây tuy là vấn đề kỹ thuật “ngắn hạn” nhưng nếu không lưu ý, không làm đúng ngay từ đầu thì có khi lại bị chệch hướng, gây lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội.

LĨNH VỰC NGHỀ NGHIỆP ỨNG VỚI MỖI NHÓM SỞ THÍCH

R (Realistic): Người thực hiện nhóm “sở thích nghề nghiệp” này thường có khả năng về kỹ thuật, công nghệ, hệ thống; ưa thích làm việc với đồ vật, máy móc, động thực vật; thích làm các công việc ngoài trời.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các nghề về kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe, huấn luyện viên, nông – lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp…), cơ khí (chế tạo máy, bảo trì và sửa chữa thiết bị, luyện kim, cơ khí ứng dụng, tự động…), điện – điện tử, địa lý – địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu khí, hải dương học, quản lý công nghiệp…

I (Investigative): Có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, Thống kê…); khoa học xã hội (Nhân học, Tâm lý, Địa lý…); Y – Dược (BS gây mê, hồi sức, BS phẫu thuật, Nha sĩ …); khoa học công nghệ (CNTT, Môi trường, Điện, Vật lý kỹ thuật, Xây dựng…), nông lâm (nông học, thú y…)

A (Artistic): Có khả năng về nghệ thuật, khả năng về trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình…); điện ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang; hội họa, giáo viên dạy Sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn,…

S (Social): Có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, thích làm những việc như giảng giải, cung cấp thông tin, sự chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho các người khác.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Sư phạm; giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn – hướng nghiệp; công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thầy tu, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng…

E (Enterprise): Có khả năng về kinh doanh, mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người khác; có khả năng quản lý.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân sự…), thương mại, marketing, kế toán – tài chính, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành KTHTCN), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên,biên tập viên…)

C (Conventional): Có khả năng về số học, thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo chỉ dẫn của người khác hoặc các công việc văn phòng.

Ngành nghề phù hợp với nhóm này bao gồm: Các ngành nghề về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán, thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên…

 Tham khảo Box; Các dạng sai lầm khi học sinh chọn nghề:

1.     Chọn nghề sai lầm. Cứ tưởng mình phù hợp. Thích chưa hẵn đã hợp. Một người có năng khiếu về nghệ thuật lại chọn ngành kế toán vật vã,nhìn các con số  nhảy múa; trong khi tố chất một người lẻ ra họ là một kế toán trưởng giỏi lại muốn trở thành người nổi tiếng: muốn làm diễn viên nhưng lại hay hay mắc cỡ, muốn làm MC nhưng lại nói ngọng, cà lăm…; 1 người thiên hướng nghệ thuật lại học ngành y (nhân y, thú y) sẽ rất nguy hiểm cho đối tượng…Cần xem lại cái gốc: Mình là ai? Mình phù hợp nghề gì chứ không phải thích gì?

2.     Chọn đúng nghề, đúng ngành nhưng sai bậc/trình độ. ThS hơn ĐH, ĐH hơn CĐ, TC, xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc đại học, sau đại học nhưng có nghề chỉ cần ở trình độ TC. Học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học.  

3.     Phổ biến nhất là cố tình chọn sai nghề vì những lý do kinh tế, đặt nặng vấn đề kinh tế, chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp để lựa chọn theo hướng có thu nhập cao hơn. Sau cùng, họ lấy tiền đóng học phí đi học lại ngành phù hợp.

4.     Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều bạn học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi.  

 

 

Số lần xem trang: 3424
Điều chỉnh lần cuối: 07-08-2016

HƯỚNG NGHIỆP CHUYÊN SÂU

Trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp (17-03-2018)

Trắc nghiệm khám phá bản thân và sở thích nghề nghiệp (25-05-2016)

Video giới thiệu các ngành đào tạo của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM (20-05-2016)

Tự khám phá sở thích nghề nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề (20-05-2016)

Tại sao chương trình tiên tiến ngành Thú Y là sự lựa chọn của bạn? (20-05-2016)

Chương trình tiên tiến là gì ? (19-05-2016)