Từ Trường Quốc gia Nông Lâm Mục

đến Đại Học Nông Lâm TP.HCM: Dấu ấn 60 năm 

TS. Trần Đình Lý

Trưởng Phòng Đào tạo

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh là một trường đại học công lập, đa ngành, đa lĩnh vực ngụ tại Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Trường được thành lập năm 1955, được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã, người đã thiết kế Dinh Thống Nhất và nhiều công trình kiến trúc tráng lệ tại Việt Nam. Hiện nay trường có 54 ngành/chuyên ngành đào tạo, với quy mô trên 25.000 sinh viên và học viên sau đại học. Nhiều năm liền, số lượng thí sinh thu hút vào Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đứng thứ hạng 2,3 toàn quốc. 

 Tiền thân là Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc (1955), Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (1963), Học viện Nông nghiệp (1972), Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn (thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức-1974), Trường Đại học Nông nghiệp 4 (1975), Trường Đại Học Nông Lâm Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (1985) trên cơ sở sát nhập hai Trường Cao đẳng Lâm nghiệp (Trảng Bom-Đồng Nai) và Trường Đại học Nông nghiệp 4 (Thủ Đức-Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Nông Lâm (thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 1995), Trường Đại học Nông Lâm Thành Phố Hồ Chí Minh (trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo 2000).

 

 

Trải qua 60 năm hoạt động, Trường đã đạt nhiều thành tích xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp, chuyển giao công nghệ, quan hệ quốc tế. Trường đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng ba (năm 1985), Huân chương Lao động Hạng nhất (năm 2000), Huân chương Độc lập Hạng ba (năm 2005).

Trường Đại học Nông Lâm thực hiện nhiệm vụ chính: Đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học về nông nghiệp và các lĩnh vực liên quan; thực hiện các nghiên cứu khoa học và hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài nước.

 Từ khi mới thành lập, một hệ thống giáo dục nông nghiệp được thành lập từ Bắc chí Nam, nhiều trường đại học, trung học nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi đã ra đời, hy vọng đã có những công trình nghiên cứu, sưu tập lại các văn bản, các nghị định thành lập các trường, các văn bản hướng dẫn tuyển sinh, các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong hệ thống giáo dục nông nghiệp.

Sau hiệp định Genève năm 1954 Học viện Nông Lâm được thành lập tại miền Bắc và Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao, tiền thân của Đại học Nông Lâm được thành lập tại miền Nam.

Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Blao được thành lập theo nghị định 112 BCN/NĐ ngày 19 tháng 11 năm 1955. Trường đào tạo ba ngành Nông - Lâm - Súc. Trường gồm một cấp Cao đẳng đào tạo các KS dành cho các sinh viên đã học hết chương trình trung học thời gian học lúc đầu là 3 năm, sau này là 4 năm và cấp Trung đẳng đào tạo các kiểm sự dành cho các học sinh đã đậu bằng Trung học đệ nhất cấp, Trung học phổ thông hoặc học lực tương đương. Thời gian học là 3 năm. Ngoài ra còn có những khoá học theo mùa, theo các chuyên đề tuỳ theo nhu cầu (đào tạo các kỹ thuật viên cải cách điền địa, hợp tác xã, trồng hoa, chăn nuôi…). Trường trực thuộc Nha Học vụ Kỹ thuật và Thực hành Canh nông, Bộ Canh Nông.

Khi mới thành lập trường chỉ mở ba ngành đào tạo: Nông khoa, Lâm khoa, Súc khoa. Đến năm 1974 trường có thêm hai ngành đào tạo là Ngư nghiệp và Kỹ thuật nông nghiệp. Hàng năm quy mô tuyển sinh là 200 sinh viên. Đến năm 2005, trường đã phát triển thành một Đại học đa ngành đào tạo 36 chuyên ngành, với quy mô tuyển sinh 2.700 sinh viên đại học mỗi năm. Hiện nay, các con số đã lên đến 54 ngành/chuyên ngành, quy mô tuyển sinh đại học chính quy 5.300, thuộc nhóm đầu của toàn quốc.

 

        Từ năm 1985 ngoài chương trình đào tạo đại học Trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học. Từ khi mới thành lập, trường đã mở rộng hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế.

Phượng Vỹ Đại Sảnh được bắt đầu khởi công xây dựng tại Thủ Đức vào ngày 20 tháng 2 năm 1972 do hãng thầu kiến trúc Phúc Hòa thực hiện dưới nhiệm kỳ của BS Nguyễn Thành Hải. Lễ khởi công xây dựng Trường có đông đủ ngoại giao đoàn tham dự. Sau này nhiều công trình kiến trúc, nhiều đại sảnh, nhiều cao ốc, được tiếp tục xây dựng dưới nhiệm kỳ của Phó GS  TS  Đoàn Văn Điện và Phó GS TS Bùi Cách Tuyến.

Khi bắt đầu được thành lập Trường có bốn thành viên sáng lập đóng góp nhiều công sức để Trường càng ngày thêm phát triển. Tứ trụ của Trường là BS Vũ Ngọc Tân, GS  Lê Văn Ký, GS  Đặng Quan Điện, và GS Bùi Huy Thục. BS Vũ Ngọc Tân và GS Bùi Huy Thục.

Cùng với sinh viên các khoá, nhiều thế hệ thầy trò đã dành nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi nước mắt để khai sơn phá thạch, xây dựng giữa chốn rừng núi thanh tĩnh một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ có tầm cỡ so với các trường đại học trong vùng thời bấy giờ, biến nơi này thành một thị xã phồn vinh trù phú, một thời đã từng là tỉnh lỵ tỉnh Lâm Đồng, thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước.

Ngay từ ngày mới thành lập, ngoài các chuyên gia hàng đầu của Bộ Canh Nông và các GS của Đại học Khoa học, Đại học Luật Khoa Sài Gòn, Đại học Kỹ thuật Phú Thọ được mời tham gia giảng dạy, trường còn nhận được sự giúp đỡ vô cùng quý báu của nhiều trường Đại học trên thế giới. Trường đã tiếp đón nhiều GS thường trú đến từ Pháp, Đức, Mỹ, Bỉ. Các GS Maurice Schmidt, GS Tixier, GS Pecrot, GS Stevens, GS Hoenninger đã thường trú tại Bảo Lộc và Sài Gòn trong suốt bốn khoá đầu. Các đại học kết nghĩa Georgia, Florida đã cử nhiều GS và chuyên gia thường trú đến làm việc với trường cho đến tháng 3 năm 1975. Phái đoàn viện trợ kỹ thuật Pháp với nhiều chuyên gia của ORSTOM và các Viện nghiên cứu Pháp đã ở lại trường đến tháng 8 năm 1975.

Sau này được tổ chức SIDA – SAREC tài trợ, Đại học Nông nghiệp Thụy Điển thường xuyên cử TS Brian Ogle, TS Inger Ledin và nhiều GS đầu đàn của Thụy Điển sang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Nông Lâm từ khi bắt đầu dự án Hệ thống canh tác/Chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam. TS Thomas Reg Preston, chuyên gia tư vấn của dự án đã đến sống và làm việc tại Thủ Đức.

Từ năm 1993 đến 1997, Tổ chức Lương Nông đã cử TS Kenji Sato đến mở văn phòng điều phối dự án sử dụng tốt hơn nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương trong hệ thống nông nghiệp bền vững vùng Đông Nam Á cho năm nước Campuchia, Lào, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Đại học Nông Lâm được FAO chọn làm Trung tâm điều phối vùng cho dự án.

Từ năm 2001 cho đến nay, Trường được bốn nước trong khu vực hạ lưu sông Mekong Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cử làm Trung tâm điều phối vùng cho Chương trình hợp tác nghiên cứu nông nghiệp bền vững dựa trên chăn nuôi do Tổ chức SIDA Thụy Điển tài trợ và Văn phòng điều phối được đặt tại Đại học Nông Lâm.

Tổ chức HELVETAS - Thụy Sĩ cũng đã cử chuyên gia Rudy sang điều phối dự án Lâm nghiệp xã hội do tổ chức SDC Thụy sĩ tài trợ và Văn phòng của dự án được đặt tại Khoa Lâm nghiệp.

Chương trình viện trợ của Đức cũng cử chuyên gia trường trú sang làm việc với Khoa Bảo quản chế biến Nông sản Thực phẩm. Đại học Rabelais Tours cũng cử giáo sư Chevrier làm giám đốc chương trình đào tạo Mastaire chăn nuôi Vệ sinh - Môi trường - Chất lượng cho sinh viên Việt Nam và Campuchia. Hàng năm giáo sư Chevrier và nhiều giáo sư Đại học Tours đang giảng tại Đại học Nông Lâm.

Trong suốt sáu mươi năm xây dựng, phát triển và hội nhập, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ưu tú. Nhiều cựu sinh viên của trường hiện đang đảm nhận nhiều trọng trách như lãnh đạo Bộ, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo các viện, các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, lãnh đạo nhiều sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo nhiều công ty quốc doanh cũng như công ty tư nhân do chính mình đứng ra thành lập, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Đó là những hạt giống mà trường chúng ta đã gieo, đã ươm trồng trong hai thập niên đầu của trường. Lúc đó nhà trường đã thực hiện một nền giáo dục đại học ưu tú, đào tạo nhiều nhân tài, nhiều KS, cử nhân, bác sĩ thú y có năng lực góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, khoa học công nghệ trong nhiều thập kỷ qua. Trong thời kỳ đầu, trường chúng ta đã đào tạo những tinh hoa, số lượng tuy ít nhưng chất lượng rất cao.

Vào buổi bình minh của thế kỷ XXI nông nghiệp không những giải quyết an toàn lương thực thực phẩm, gia tăng sản lượng, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, đẩy lùi nghèo khó, mà còn phải kết hợp hài hoà giữa phát triển, mở rộng diện tích canh tác với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn đẹp tự nhiên mà tạo hoá đã ban cho chúng ta.

Đó là một vận hội mới mà trường Đại học Nông lâm TPHCM sẽ nhập cuộc. Chúng ta tin rằng với tinh thần đoàn kết nhất trí trong lãnh đạo nhà trường cũng như toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên, sinh viên đồng tâm, hiệp lực cùng nhau chung sức, chung lòng. Đại học Nông Lâm sẽ hoàn thành sứ mạng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, mở rộng hợp tác quốc tế mà đất nước đang mong đợi.

Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, những người con đầu tiên đến với trường nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, có người còn, có người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng bà mẹ Nông Lâm thì vẫn còn đó, rất khoẻ mạnh và tràn đầy sức sống.

Những người con thân yêu của Mẹ Nông Lâm sẽ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn Trường tồn tại mãi mãi và phát triển bền vững đến ngày hôm nay.

Đại học Nông Lâm sống mãi trong tâm tư, trong tình cảm nhiều người. Tên gọi Đại học Nông Lâm khắc sâu trong tâm trí, trong ký ức của nhiều người.

Hôm qua, hôm nay và trong mai sau Đại học Nông Lâm TP.HCM đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại trong tâm thức của nhiều thế hệ sinh viên và trong bạn bè năm châu bốn bể.

Từ năm 2015, trong bối cảnh đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đặc biệt công tác tuyển sinh lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức 2 trong 1, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã quyết định bảo đảm sự ổn định cao nhất cho phụ huynh và thí sinh. Nhà trường có các môn thi tích hợp theo khối thi A, A1, B, D1.

Nhóm 1: các ngành xét tuyển theo các môn thi Toán, Lý, Hoá (khối A củ) hoặc Toán, Lý, Tiếng Anh (A1 củ) bao gồm 7 ngành: công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, kỹ thuật điều khiển và tự động hoá, công nghệ thông tin, quản lý đất đai.

Nhóm 2: Các ngành xét tuyển môn Toán, Lý, Hoá (khối A củ) hoặc Toán, Hoá, Sinh (khối B củ) gồm 16 ngành: Công nghệ chế biến lâm sản, Lâm nghiệp, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Chăn nuôi, Thú y, Nông học, Bảo vệ thực vật, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học môi trường, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp.

Nhóm 3: Các ngành xét tuyển môn Toán, Lý, Hoá (khối A củ) hoặc Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh (khối D1 củ) gồm 6 ngành: Bản đồ học, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Kế toán.

Nhóm 4: Xét tuyển các môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh (khối D1 củ) cho Ngành Ngôn ngữ Anh

 Phương thức tuyển sinh: Trường tuyển 100% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 và dựa trên quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Trường Đại học Nông lâm TP.HCM vừa dựa trên nền tảng năng lực lõi là đào tạo có chất lượng nhóm ngành nông lâm ngư, vừa phát triển đa ngành đa lĩnh vực, luôn đáp ứng tốt nhất các yêu cầu: Chất lượng – Hội nhập – Phát triển.

Số lần xem trang: 4122
Điều chỉnh lần cuối: 07-08-2016

Tại sao chọn Đại học Nông Lâm TP.HCM

Giới thiệu về Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM (06-04-2012)