Những điều cần lưu ý khi khai hồ sơ ĐKDT

Thí sinh cần nắm rõ các điều sau.
TT - Tuyển sinh năm 2012, tên ngành, mã ngành tuyển sinh được điều chỉnh theo bảng danh mục mã ngành cấp 4 của cả nước. Trong đó, mã ngành sẽ gồm nhiều ký tự hơn.
 Vì thế, hồ sơ đăng ký dự thi cũng có một số thay đổi, bao gồm: bổ sung việc ghi tên ngành, tên chuyên ngành; mã ngành đăng ký dự thi gồm bảy ký tự thay vì ba ký tự như những năm qua. Nếu không cập nhật những thay đổi này, thí sinh dễ mắc sai sót trên bộ hồ sơ đăng ký dự thi của mình.

Hồ sơ đăng ký dự thi năm 2012 gồm: một túi đựng hồ sơ: mặt trước ghi các thông tin cần thiết mà thí sinh phải điền đầy đủ, mặt sau là một số lưu ý về làm hồ sơ đăng ký dự thi; phiếu số 1: mặt trước có nội dung giống mặt trước của túi đựng hồ sơ; phiếu số 2: mặt trước của phiếu về cơ bản giống mặt trước của túi đựng hồ sơ, mặt sau là hướng dẫn ghi phiếu đăng ký dự thi.

Để bắt đầu ghi hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh phải trả lời được các câu hỏi: Bạn dự định thi khối nào? Ngành nào? Trường nào? Tiếp đó, thí sinh vào trang web http://thi.moet.gov.vn, trang web của các trường hoặc đọc báo Tuổi Trẻ, xem Tuổi Trẻ Online (http://tuoitre.vn) để biết trường có tổ chức thi hay không, biết tên ngành, chuyên ngành (nếu có), mã ngành, mã trường dự thi; mã tỉnh, mã huyện. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý mã ngành đăng ký dự thi.

Thí sinh cũng phải tra cứu danh mục mã trường THPT và tương đương năm 2012, danh mục đơn vị đăng ký dự thi năm 2012 của các sở GD-ĐT để biết mã ban tuyển sinh, mã tỉnh, mã quận/huyện, mã trường THPT, mã đơn vị đăng ký dự thi hoặc truy cập website.

( Trích thông tin tuyển sinh báo Tuổi trẻ)

Đăng ký dự thi (ĐKDT) và đăng ký xét tuyển (ĐKXT):
Thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó; Thí sinh đã dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).

Thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH;

Thí sinh dự thi vào các trường tổ chức thi theo đề thi riêng, chỉ được xét tuyển vào trường đó, không được đăng ký xét tuyển vào các trường khác.

Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.

Khai hồ sơ ĐKDT và ĐKXT:
Hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2. Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường). Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có). Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.

Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp (có đóng dấu đỏ của trường). Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của sở GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT sẽ chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT cho các trường. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của sở GD&ĐT, thí sinh nộp ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường.
Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung.

Những thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông; đạt giải hoặc đẳng cấp thể dục thể thao, nghệ thuật, nộp thêm giấy chứng nhận đạt giải hoặc giấy chứng nhận đẳng cấp trong ngày làm thủ tục dự thi.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh theo đúng thời hạn quy định trong lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT.

 

Số lần xem trang: 2348
Điều chỉnh lần cuối: 13-03-2012

MỘT SỐ CHÚ Ý TRONG TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CĐ năm 2009

HƯỚNG DẪN GHI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2014 (17-03-2014)

HƯỚNG DẪN GHI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DỰ THI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2013 (01-04-2013)

NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ CỦA THÍ SINH DỰ THI TUYỂN SINH ĐH, CĐ HỆ CHÍNH QUY NĂM 2013 (10-04-2012)

Danh sách các trường Đại học không tổ chức thi 2012 (11-03-2010)