Bỏ điểm sàn là cơ hội hay thách thức?
TT - Đó là câu hỏi của một học sinh Trường THPT Phước Bình (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đặt ra cho ban tư vấn trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Bình Phước phối hợp tổ chức chiều 8-3.
>> Thay điểm sàn bằng điều kiện "cần" và "đủ"?
>> Bỏ điểm sàn, điểm chuẩn sẽ ra sao?
>> Nên thay điểm sàn bằng điểm liệt
TS Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn chuyên sâu cho các bạn học sinh tỉnh Bình Phước - Ảnh: Quang Định |
Câu hỏi khá “vĩ mô” nhưng bạn đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng của hơn 2.000 học sinh từ các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập về phủ kín sân Trường THPT thị xã Phước Long - nơi tổ chức chương trình. Được mời trả lời câu hỏi, TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định “đây là câu hỏi rất thông minh”. TS Hoàng giải thích điểm sàn là mức điểm do Bộ GD-ĐT ấn định. Từ mức điểm đó trở lên, thí sinh mới đủ điều kiện trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. “Tuy nhiên các bạn không nên quá quan tâm đến điểm sàn. Vì những trường ĐH lớn điểm trúng tuyển thường cao hơn điểm sàn rất nhiều. Do đó, các bạn nên chọn cho mình một ngôi trường yêu thích và phấn đấu đậu ngay nguyện vọng 1” - thầy Hoàng nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, “mổ xẻ” những cơ hội và thách thức cho thí sinh liên quan đến vấn đề bỏ điểm sàn: “Về cơ hội, tôi nghĩ bỏ điểm sàn sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh bởi vì trước đây phải có một mức điểm sàn trở lên các em mới trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Ngược lại, bỏ điểm sàn cũng sẽ là thách thức cho các bạn. Chẳng hạn hiện bạn chưa biết thước đo nào thay thế điểm sàn nên phải nỗ lực rất nhiều để trúng tuyển vào ngành, trường mà các bạn lựa chọn”.
Ngoài thắc mắc về điểm sàn, ngành nghề y dược, nông lâm, kinh tế..., học trò Bình Phước còn quan tâm đến nhiều vấn đề về tuyển sinh khối ngành công an, quân đội. Ở chương trình tại Bình Phước, “đội quân” hơn mười người của Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, Công an tỉnh Bình Phước do thạc sĩ - thiếu tá Phan Văn Dần, phó trưởng phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Phước, và thạc sĩ - thiếu tá Phan Văn Sơn, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, dẫn đầu đã ở lại đến cuối chương trình, gặp trực tiếp các thí sinh để giải thích cặn kẽ về điều kiện tuyển sinh, sơ tuyển, nhu cầu nhân lực công an trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong những năm tới.
HÀ BÌNH
Hôm nay tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Tây Ninh 7g30 sáng nay (9-3), Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 tiếp tục đến với học trò tỉnh Tây Ninh (tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Hòa Thành). Tại chương trình, chuyên gia từ Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Tài chính - marketing... sẽ tư vấn cho thí sinh những vấn đề chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, để cung cấp thêm thông tin nhu cầu nhân lực của địa phương, chương trình cũng sẽ có sự tham gia tư vấn của Sở GD-ĐT Tây Ninh, Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh... |
Số lần xem trang: 2386
Điều chỉnh lần cuối: