Chọn ngành nào dễ tìm việc?
TT - Nỗi lo chung của hầu hết học sinh có mặt tại chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Tiền Giang sáng 1-3 là vấn đề việc làm.
Học sinh xem Cẩm nang tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ tại buổi tư vấn - Ảnh: Như Hùng |
Sân Trường ĐH Tiền Giang đã không còn chỗ trống với hơn 3.000 học sinh về tham dự buổi tư vấn.
Nhiều cơ hội việc làm lĩnh vực nông nghiệp
Một học sinh thắc mắc: “Năm nay thi ĐH, những ngành nghề hiện đang có nhu cầu tuyển cao liệu bốn năm nữa khi chúng em ra trường, nhu cầu nhân lực của ngành này còn “hot”?”. TS Lê Hữu Hải, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, chia sẻ vấn đề chọn ngành học dễ tìm việc sau khi ra trường luôn được rất nhiều học sinh quan tâm. Tuy nhiên, trước mắt các em cần phải tập trung thật chu đáo để chuẩn bị vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Về vấn đề cơ hội việc làm, ông Hải cho biết thêm: “ĐH Tiền Giang đào tạo nhân lực cho địa phương, mỗi năm nhà trường đón tiếp hàng chục doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng. Tiền Giang hiện có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nên cơ hội thực tập và việc làm rất cao. Những ngành sinh viên ra trường có việc làm ngay: kế toán, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản...
Giải đáp thắc mắc của bạn Lê Yến Phụng (Trường THPT Mỹ Phước Tây) về cơ hội việc làm ngành nông học, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết ngành nông học đào tạo kiến thức liên quan đến cây trồng, nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, kiến thức về môi trường cây sống: đất, nước, phân bón, phòng trừ sâu bệnh... Tốt nghiệp ra trường sinh viên có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc các công ty giống cây trồng, sản xuất phân bón, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ nông nghiệp...
Thích nhiều trường
Bạn Võ Thị Thu Vân, học sinh Trường THPT Gò Công, cho biết hiện thích rất nhiều trường, nhiều ngành nhưng đang phân vân vì không biết khi học xong trường đảm bảo có công việc ổn định hay không. Còn bạn Lê Ngọc Trúc Thi, Trường THPT chuyên Tiền Giang, băn khoăn nếu thi vào ĐH Sư phạm thì bốn năm nữa cơ hội việc làm của ngành này sẽ như thế nào, sinh viên tìm việc có dễ hay không...
Giải đáp những băn khoăn này, các chuyên gia đều cho rằng ở lứa tuổi của các em hiện nay, để xác định được ngành học, chọn được trường phù hợp là điều không đơn giản. TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ dựa trên sở thích, sức học của mình, các em cần xem mình phù hợp với ngành nào và trường nào... để lựa chọn cho phù hợp. “Các trường ĐH đều có trung tâm hỗ trợ sinh viên. Đây là nơi giới thiệu việc làm, đồng thời đào tạo kỹ năng cho sinh viên. Muốn có cơ hội việc làm, ngoài học tốt kiến thức chuyên môn, các em cần trang bị thêm những kỹ năng cần thiết” - TS Hạ nói.
TRẦN HUỲNH
Số lần xem trang: 2627
Điều chỉnh lần cuối: