TƯ VẤN TRỰC TUYẾN "ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH 2014" TẠI TP HCM
Giải đáp băn khoăn về các ngành bị dừng đào tạo
Thứ Bảy, 22/02/2014 12:20
(NLĐO) - Thi khối kinh tế dễ thất nghiệp, các ngành bị ngừng đào tạo ở ĐH Y dược trong đợt tuyển sinh năm nay, sợ rớt vì điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm hay lên xuống thất thường.... là những thắc mắc đáng chú ý nhất của thí sinh tại TP HCM trong chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 với sự tham gia của đội ngũ tư vấn hùng hậu từ các trường uy tín và hơn 3.000 học sinh.
Chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 tiếp theo do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương vào lúc 8 giờ sáng mai (23-2). Chương trình sẽ được tường thuật trực tuyến trên Báo Người Lao Động Online, mời quý phụ huynh và thí sinh theo dõi.
Một số hình ảnh về phần tư vấn riêng:
Các chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 tiếp theo:
- 8 giờ ngày 23-2 tại Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (Bình Dương)
- 14 giờ ngày 2-3 tại Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai)
- 14 giờ ngày 9-3 tại Trường THPT Lê Quý Đôn và Trường THPT Nguyễn Minh Quang (Hậu Giang)
- 8 giờ ngày 15-3 tại Trường ĐH Quảng Nam
- 8 giờ ngày 16-3 tại Quảng Ngãi
- 15 giờ ngày 22-3 tại Trường THPT Trần Cao Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa)
- 8 giờ ngày 23-3 tại Trường THPT Chu Văn An, TP Phan Rang (Ninh Thuận)
Do thời lượng có hạn, chương trình ngừng tư vấn trực tiếp vào lúc 10 giờ. Hết thời gian phát sóng trực tiếp trên HTV4, ban tư vấn cùng các em học sinh bước vào phần tư vấn riêng theo từng trường. Tại các phòng tư vấn riêng ở Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, học sinh tập trung rất đông để nhờ các thầy cô giải đáp thắc mắc. Trong khi đó, đại diện các trường - các thầy cô ban tư vấn - nhiệt tình ngồi lại trao đổi tới hơn 11 giờ, cho đến khi trả lời hết các câu hỏi của các em.
* Cẩm Nguyên: Em muốn thi ngành sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Tuy nhiên, ngành này điểm chuẩn tăng giảm liên tiếp trong những năm gần đây. Do đó, em muốn hỏi các thầy cô xu thế điểm chuẩn năm nay của ngành sư phạm toán ĐH Sư phạm TP HCM như thế nào?
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Ngành sư phạm toán là một trong những ngành "hot" nhất của của trường với mức điểm chuẩn cao trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa thể trả lời chính xác mức điểm chuẩn ngành này trong năm 2014 vì điểm phụ thuộc mức độ khó dễ của đề thi và khả năng của học sinh từng năm. Nhiều khả năng năm nay, điểm chuẩn ngành này xoay quanh giá trị điểm chuẩn năm ngoái.
* Ngọc Thu: Em thích ngành xét nghiệm y học và muốn thi vào ngành này. Vậy các thầy cô có thể cho em biết trường nào đào tạo ngành này không ạ?
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP HCM: Ngành xét nghiệm y học hiện được đào tạo chủ yếu ở khối trường y dược công lập. Ngành này có thời gian học 4 năm, các em tốt nghiệp có bằng cử nhân xét nghiệm y học. Ngoài ra, trường cũng đào tạo ngành xét nghiệm y học trình độ trung học. Khi tốt nghiệp, các em có thể xin vào làm ở các phòng khám đa khoa. Hiện ngành xét nghiệm y học rất quan trọng do trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, là khâu hữu ích giúp bác sĩ chuẩn đoán đúng bệnh.
* Thưa các thầy cô, ngành thực phẩm ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM có những ngành nhỏ nào, cơ hội việc làm ra sao?
PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Khoa thực phẩm của trường gồm các ngành: Công nghệ thực phẩm và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là ngành có truyền thống đào tạo lâu năm của trường. Hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm ở phía Nam đều có mặt sinh viên của trường. Vì vậy, các em yên tâm về khả năng xin việc khi học ngành này.
Tiếp đó, ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing, trả lời những thắc mắc của các thí sinh liên quan ngành marketing và PR. Thầy Vinh cho biết ĐH Tài chính Marketing là trường đầu tiên được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo ngành marketing. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, trường đã phát triển nhóm ngành truyền thông, marketing. Sinh viên tốt nghiệp ngành này ở trường ra làm ở nhiều vị trí trong lĩnh vực truyền thông như quảng cáo, thương mại, dịch vụ, quan hệ công chúng... Vì vậy, sau khi thi vào ngành này của trường và cố gắng học tập, các em không sợ thất nghiệp.
* Trần Thế An (12A1, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi): Em muốn thi vào ngành công nghệ sinh học thì học ngành nào, trường nào hiệu quả? Ngoài nguyện vọng trên, em còn muốn thi vào ngành sư phạm toán, dự định thi vào ngành toán học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP HCM. Tuy nhiên, em được biết trường chỉ đào tạo ngành sư phạm toán- tin. Ngoài ra, em có thể học thêm các văn bằng gì để có thể dạy học?
PGS-TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH QG TP HCM: Thứ nhất, về ngành công nghệ sinh học, đây là ngành khá nhiều trường tổ chức đào tạo, thi tuyển. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM đào tạo ngành này từ năm 1999, tuyển sinh hằng năm với các khối A, B. Sinh viên tốt nghiệp ngành này của trường luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao, khả năng xin việc cao. Thứ hai, em có thể thi vào ngành sư phạm toán của trường. Sau khi tốt nghiệp, em có thể dạy môn toán ở các trường THPT, bổ sung các chứng chỉ, bằng nghiệp vụ tại trường.
Theo em được biết, ngành kỹ thuật y học, kỹ thuật phục hình răng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng nằm trong 207 ngành bị Bộ GD-ĐT yêu cầu tạm dừng tuyển sinh. Em muốn thi vào ngành kỹ thuật phục hình răng nhưng không biết năm nay có được tuyển sinh không?
PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP HCM: Đây là 3 ngành học thuộc hệ cử nhân. Trường chúng tôi đã làm việc với Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế để trình bày vấn đề này. Vì ở Việt Nam, ngành kỹ thuật phục hình răng chưa đào tạo được tiến sĩ và nhiều nước trên thế giới cũng không có đào tạo tiến sĩ ở ngành này. Vì vậy, ngành này không thể có người đạt trình độ tiến sĩ được. Hiện 99% khả năng Bộ GD-ĐT sẽ đồng ý cho ĐH Y dược TP HCM đào tạo các ngành trên, thông tin chính thức sẽ được thông báo vào tuần tới.
* Bạn Nguyễn Lữ Kim Hoàng và Hồng Trang (12 A11): Em muốn thi tuyển vào ngành quan hệ công chúng nhưng lực học có hạn, em có nên xét tuyển không? Vào những trường nào, tư hay công? Những trường đào tạo quan hệ công chúng có tuyển sinh riêng không ạ?
Ths Hoàng Đức Bình - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Hoa Sen: Ngành quan hệ công chúng đang có xu hướng phát triển mạnh, mang lại nhiều lợi ích xã hội, doanh nghiệp và thu nhập cao. Một số trường đào tạo chuyên ngành quan hệ công chúng nhưng dưới hình thức đưa vào các chuyên ngành như marketing, truyền thông, quan hệ quốc tế, quan hệ công chúng… Một số trường khác lại mở mã ngành khá nhỏ về quan hệ công chúng. Tại ĐH Hoa Sen có 4,5 ngành học liên quan quan hệ công chúng để các em học ngành marketing có thể làm trong ngành quan hệ công chúng. Do ngành này cũng liên quan bản chất của từng doanh nghiệp, nên các em phải đi sâu kỹ thuật, kiến thức liên quan ngành nghề, lĩnh vực và thiết lập quan hệ truyền thông để thành công.
* Bạn Lưu Hồng Ngọc: Theo em được biết, hiện nay, sinh viên các ngành kinh tế ra trường có tỉ lệ thất nghiệp khá cao. 4 năm sau, khi em ra trường, liệu tình hình việc làm ở khối ngành này có được cải thiện không?
TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM: Hiện nay, tình hình cạnh tranh việc làm ở khối ngành kinh tế, tài chính ngân hàng rất khốc liệt và đây là câu hỏi buổi tham gia tư vấn nào tôi cũng nhận được Tình trạng đào tạo, việc làm của khối ngành ngân hàng phản ánh nền kinh tế. Kinh tế khó khăn thì khối ngành nào cũng không thể sáng sủa. Riêng năm 2014, kinh tế trong và ngoài nước có tín hiệu lạc quan nên các em thi vào trường năm nay có quyền tin vào triển vọng nền kinh tế sáng sủa hơn. Tuy nhiên, tình hình việc làm nhìn chung hiện nay cạnh tranh cao, nên các em cần trang bị kỹ năng, kiến thức tốt để ở bất cứ hoàn cảnh kinh tế nào cũng có thể xin được việc làm.
* Thưa thầy Vinh, 2 trong số các ngành bị dừng đào tạo Trường ĐH Tài chính - Marketing thì có ngành quản trị khách sạn nhưng trang web trường vẫn đăng tuyển sinh. Vậy thông tin nào đúng?
ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing: Nhà trường đã công văn xin phép Bộ GD-ĐT cho phép trường được đào tạo lại hai ngành quản trị khách sạn và kế toán, đến tháng 3 sẽ có quyết định chính thức về việc này.
TƯ VẤN TRỰC TIẾP
Tiếp đến, đại diện Trường Quốc tế PSB trả lời thắc mắc của các thí sinh xung quanh việc thi tuyển vào trường. Theo đó, PSB Việt Nam là thành viên của PSB Singapore có 50 năm kinh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Tại Việt Nam, trường cung cấp các chương trình đào tạo quốc tế về ngành quản trị và kinh doanh cho sinh viên Việt Nam và nước ngoài tại TP HCM. Điều kiện được học tại trường là thí sinh phải vượt qua đợt xét tuyển đầu vào (đã tốt nghiệp THPT) và có chứng nhận tiếng Anh. Nếu thí sinh chưa có bằng tiếng Anh, trường sẽ tổ chức đào tạo trong thời gian đầu vào học.
Tiếp theo, cô Dương Thu Trang – Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - đã có những lời căn dặn dành cho các học trò thân yêu của mình. Cô Trang cho biết đầu tiên, các em phải xác định mình sẽ theo ngành nghệ thuật hay kỹ thuật. Đây là định hướng lớn nhất học sinh phải lựa chọn. Tiếp đó, các em phải xác định mình đủ đam mê để theo đuổi ước mơ hay không. Thứ tư, các em nên lắng nghe lời khuyên người lớn và những người có kinh nghiệm vì những lời khuyên đó tuy "không sưởi ấm nhưng chiếu sáng” con đường các em đi. Thứ 5, các em nên đánh giá lại vấn đề, chọn lựa giữa ý kiến cha mẹ và riêng mình. Thứ 6, các em quyết định và chấp nhận, chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Theo thầy Lý, 3 câu hỏi lớn mà các em phải đặt ra trước khi làm hồ sơ là: Các em mơ ước làm ở lĩnh vực ngành nghề nào; các em thi ngành nào, học ngành nào để theo đuổi ước mơ đó và các em nên chọn trường ĐH-CĐ nào vừa khả năng của mình. Cũng theo thầy Lý, đến năm 2017, tình hình tư vấn tuyển sinh sẽ có những đổi mới căn bản toàn diện. Về lâu dài, các em phải giải quyết 3 vấn đề lớn: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Nếu lựa chọn sai, các em có thể rời khỏi ngành học bất kỳ lúc nào. Thầy cho biết nếu xác định được năng lực, sở trường thì các em mới dễ dàng có được nền tảng để thành công.
Thầy Trần Đình Lý - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm cũng có những lời khuyên chân thành đối với các thí sinh. Thầy cho biết điểm nhấn quan trọng mà thầy cô trong ban tư vấn năm nào cũng muốn mang đến cho các em học sinh là tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp. Trong đó, điều cực kỳ quan trọng công tác tuyển sinh, hướng nghiệp là khả năng thực hành các em có được khi ra trường. Theo thống kê, có 60% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo bổ sung hoặc đào tạo lại. Do đó, công tác tư vấn, tuyển sinh có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong tình hình đa số các trường vẫn theo phương án tuyển sinh chung.
Năm nay, đa số các trường vẫn thi 3 chung, vì vậy thầy Nghĩa lưu ý các em nên quan tâm đến các định hướng về đề thi chung. Cụ thể, các môn văn, sử, địa tăng cường theo hướng mở, toán, lý, hóa, sinh tăng cường hướng tổng hợp…
Theo thầy Nghĩa, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 ở các trường áp dụng hình thức thi 3 chung vẫn như cũ. Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh. Đến đầu tháng 3, các em bắt đầu làm hồ sơ và nộp tại trường từ 11-3 đến 11-4. Từ 12 đến 19-4, các em chưa nộp hồ sơ tại trường có thể nộp trưc tiếp tại các trường ĐH-CĐ các em dự thi. Tháng 6, các em nhận phiếu đăng ký, tháng 7 bắt đầu dự thi. Kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014 gồm 3 đợt: Khối A, A1, B sẽ thi vào ngày 3,4,5-7, đợt 2 (B, C, D) thi vào ngày 8,9,10-7, đợt 3 thi CĐ sau đó 6 ngày (14-15-16).
Tiếp theo chương trình, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, phát biểu về tình hình chung của kỳ thi ĐH-CĐ năm 2014.
“Hy vọng năm nay, các em có điểm thi tốt hơn so với các năm”, thầy Nghĩa chúc. Tình hình thi ĐH-CĐ năm nay nhìn chung ổn định, có thêm 2 điểm mới quan trọng: Một là, năm nay, khu vực ưu tiên năm nay bị thu hẹp, đối tượng ưu tiên cũng thay đổi. Theo đó, Bộ GD-ĐT bổ sung 1 số đối tượng chính sách vào danh sách được ưu tiên. Thay đổi thứ hai về đề án đổi mới tuyển sinh: Hiện đã 50 trường công bố đề án đổi mới, còn 20 trường đang chờ Bộ GD-ĐT xét.
Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Nguyễn Văn Tín tặng hoa các đơn vị tài trợ
Bà Trần Thị Ngọc Vân cho biết với bề dày gần 40 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu phân bón Bình Điền đã gắn bó bền bỉ, keo sơn, chung thủy với người nông dân trên cả nước. “Bao giờ và ở đâu cũng vậy, nhà nông luôn đau đáu khát vọng cho con em mình được ăn học thành tài. Để biến ước mơ ấy thành hiện thực, nhà nông luôn chuyên cần sản xuất. Và trong quá trình ấy, chúng ta đã gặp nhau, có chung khát vọng vươn tới tương lai với niềm tin về sự ấm no, thành đạt, thịnh vượng”, bà Vân nói.
Năm 2014 này, lần đầu tiên Công ty CP Phân bón Bình Điền đồng hành với Báo Người Lao Động qua chương trình "Đưa trường học đến thí sinh". Đại diện đơn vị tài trợ Trần Thị Ngọc Vân cho biết bà cảm thấy vinh dự khi được đóng góp một phần vào hành trang tương lai của trí thức trẻ cả nước nói chung và TP HCM, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động cho biết hôm nay ông rất hân hạnh trở về trường xưa, với tư cách cựu học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi và đại diện Báo Người Lao Động, mang đến các em chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014. Ông Tín cho biết đây là năm thứ 13 báo tổ chức chương trình và mong rằng chương trình sẽ đạt kết quả mỹ mãn. Qua chương trình, Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động muốn trao đổi với các thí sinh 2 điều: Thứ nhất, năm nay, về phương thức thi thay đổi, nên các em hãy chú ý theo dõi, cập nhật. Tiếp đó, các em nên chú ý chương trình tư vấn để chọn trường, chọn ngành thích hợp với khả năng mình để có quyết định đúng đắn cho tương lai.
Đây là chương trình thứ 2 do 2 Báo Người Lao Động tổ chức trong chuỗi 9 chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014. 7 giờ 45, chương trình văn nghệ của trường bắt đầu với các bài hát tuổi học trò trong sáng, vui nhộn giúp các em có những giây phút thư giãn trước giờ tư vấn.
Ngoài ban tư vấn, đại biểu chương trình còn có ông Nguyễn Văn Tín - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động và bà Trần Thị Ngọc Vân - Phụ trách thương hiệu Công ty CP phân bón Bình Điền.
Tuy 8 giờ chương trình mới bắt đầu nhưng khoảng 7 giờ 30, 3.000 học sinh từ các trường THPT ở như THPT Mạc Đĩnh Chi, THPT Phú Lâm... đã tề tựu tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi tham gia buổi tư vấn. Ban tư vấn hùng hậu gồm các thầy cô đến từ các trường ĐH lớn cũng đã có mặt sẵn sàng trả lời các thắc mắc các thí sinh.
8 giờ ngày hôm nay (22-2), Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2014" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân Bón Bình Điền cùng sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (458 Hồng Bàng, quận 6, TP HCM). Chương trình được Đài PT-TH TP HCM tường thuật trực tiếp trên kênh HTV4.
Ban tư vấn chương trình:
- PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM
- PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM
- PGS-TS Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM
- PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP HCM
- TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP HCM
- TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM
- ThS Lê Ngọc Tứ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP HCM
- ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính Marketing
- Bà Trần Thị Phi Yến, Giám đốc Đào tạo Trường Quốc tế PSB
- Ths Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
- Ths Hoàng Đức Bình - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Hoa Sen.
Đơn vị tài trợ:
Số lần xem trang: 2401
Điều chỉnh lần cuối: