Kiểm định chất lượng (KĐCL) từ lâu đã được biết đến như một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra trong giáo dục đại học (GDĐH) và đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Để "đi tắt, đón đầu" thành công, Việt Nam sẽ học được những kinh nghiệm gì?

Trong giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: THANH NHÀN

Kiểm định chất lượng (KĐCL) từ lâu đã được biết đến như một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra trong giáo dục đại học (GDĐH) và đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Để "đi tắt, đón đầu" thành công, Việt Nam sẽ học được những kinh nghiệm gì?

Từ một cách làm hiệu quả

Hoạt động của hệ thống kiểm định của AUN có thể cung cấp một câu trả lời. AUN là tên viết tắt của một tổ chức tự nguyện, tương tự như một hiệp hội của các trường đại học thuộc 10 nước trong khu vực Đông-Nam Á, với tên gọi chính thức là Asean University Network (Mạng lưới các trường đại học Đông - Nam Á). AUN hiện có 30 thành viên, trong đó có các thành viên Việt Nam là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐH Cần Thơ. Để quản lý chất lượng các trường thành viên, AUN đã xây dựng một hệ thống kiểm định riêng có tên gọi tiếng Anh là Asean University Network - Quality Assurance (AUN-QA).

Quá trình triển khai hoạt động kiểm định ở Việt Nam và AUN diễn ra gần như đồng thời. AUN bắt đầu thảo luận về các nguyên tắc, quy trình và kế hoạch bảo đảm chất lượng vào năm 1999; phê duyệt và ban hành các nguyên tắc bảo đảm chất lượng vào năm 2004; đánh giá thử nghiệm trong hai năm 2005-2006; và bắt đầu đánh giá chính thức từ năm 2007 (thời điểm này, ở Việt Nam cũng ban hành quy định chính thức về KĐCL GDĐH).

Mặc dù tiến hành cùng lúc, nhưng việc triển khai tại Việt Nam gặp khá nhiều vướng mắc, còn AUN-QA thì hoạt động trôi chảy và thuận lợi. Tính đến cuối năm 2013, AUN-QA đã tổ chức đánh giá chính thức 58 chương trình ở các quốc gia khác nhau; kết quả đánh giá được sử dụng trong việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận lẫn nhau, và là căn cứ để kết nạp thành viên mới. Bên cạnh đó, AUN-QA chú trọng tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ nhân sự bảo đảm chất lượng và đánh giá viên; hiện có trên dưới 30 đánh giá viên được cấp giấy chứng nhận trong toàn hệ thống.

KĐCL của AUN đã tạo ra những tác động rõ ràng: sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, sự cải thiện hình ảnh của AUN trước xã hội, và quan trọng hơn cả là sự thừa nhận của thị trường lao động đối với các sinh viên tốt nghiệp. Như vậy, cũng chỉ với thời gian 10 năm, AUN-QA đã có những bước tiến khá nhanh để trở thành một hệ thống KĐCL khá hoàn chỉnh với những tác động rõ ràng và bền vững.

Bài học nào cho Việt Nam?

Tại sao AUN làm được những điều chúng ta không làm được? Trước hết, cần khẳng định việc xây dựng hệ thống KĐCL cho một hiệp hội chỉ vài chục trường là dễ dàng hơn rất nhiều so với một quốc gia với số trường nhiều hơn gấp 10 lần như ở Việt Nam. Nhưng vấn đề ở đây không phải là quy mô hoặc số lượng, mà là phương pháp. Khi so sánh cách hoạt động của hai hệ thống KĐCL, ta thấy có những khác biệt căn bản: sự độc lập của hệ thống kiểm định, tính tự nguyện tham gia của các trường, và lợi ích của việc tham gia kiểm định đối với các bên liên quan.

Một hệ thống kiểm định dù có được xây dựng hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể tồn tại nếu việc kiểm định đó không đem lại lợi ích gì cho người được kiểm định. Đối với AUN, những lợi ích ban đầu là sự chia sẻ thông tin và học hỏi lẫn nhau về những cách thực hành tốt nhất, sự công nhận lẫn nhau giữa các trường, và uy tín chung của cả tổ chức. Nhưng ở Việt Nam, lợi ích của việc tham gia kiểm định cho đến nay vẫn khó có thể nhận ra.

Do AUN là một hiệp hội nên các hoạt động của nó hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện, và mọi quyết định đều có sự tham gia của tất cả thành viên. Cơ chế này cho phép tạo ra một hệ thống phù hợp cả với mục tiêu chung lẫn điều kiện cụ thể của từng trường.

Quan trọng nhất là tính độc lập của công tác kiểm định. Là một hiệp hội hoạt động bằng kinh phí tự đóng góp, AUN không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì ngoài quyền lợi của chính mình. AUN-QA tồn tại chỉ để phục vụ duy nhất mục đích là đưa ra những nhìn nhận, phán đoán chính xác và trung thực nhất về chất lượng của các trường/chương trình mà nó kiểm định. Rõ ràng, trước khi có KĐCL thì Bộ GD-ĐT cũng đã có một hệ thống các quy trình, quy định chặt choe, và quyền kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của các trường, nhưng không tạo ra được chất lượng như mong muốn, do chỉ hạn chế từ góc nhìn của Bộ mà thiếu sự tham gia của các trường. Ngay từ bộ tiêu chuẩn đã có vấn đề, do chúng ta chỉ có một quy định chung cho tất cả các loại trường và mọi ngành nghề vốn ngày càng đa dạng. Vì vậy, việc tạo thêm một bộ phận trong Bộ GD-ĐT nhằm kiểm soát các hoạt động kiểm định sẽ chỉ là một việc làm trùng lặp và vô ích. Không thể có được một hệ thống kiểm định tốt nếu nó không độc lập với Bộ GD-ĐT.

Rõ ràng công tác kiểm định sắp tới cần có những thay đổi mang tính cách mạng - cần sớm tách hẳn việc quản lý nhà nước đối với kiểm định ra khỏi Bộ GD-ĐT, đồng thời cho phép các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia công tác này. Bởi nếu không, dù có cố gắng đẩy mạnh thực hiện kiểm định tới đâu mà vẫn làm theo cách như cũ thì sẽ chỉ là một sự lãng phí mà thôi.

 

Sự thiếu độc lập là lý do chính khiến hệ thống kiểm định của Việt Nam không thể vận hành tốt.

 

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH

Số lần xem trang: 2128
Điều chỉnh lần cuối: